Bưởi da xanh từ A đến Z

Mỗi khi nhắc tới những đặc sản thôn quê Việt Nam, ta khó lòng bỏ qua quả bưởi – một món quà ngọt lành vang danh trong và ngoài nước. Bưởi có nhiều loại khác nhau, thường gắn liền với đặc điểm của quả hoặc tên vùng đất trồng bưởi. Bưởi da xanh là một trong những loại trái cây nổi tiếng, gắn liền với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Những năm gần đây, việc sản xuất bưởi da xanh đã có những bước tiến lớn, tạo nên triển vọng xuất khẩu trái cây trong nước tới thị trường nước ngoài.

Nguồn gốc cây bưởi da xanh

Bưởi da xanh là giống bưởi có nguồn gốc từ huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Trước năm 1975, giống bưởi này được trồng ở Mỹ Thạnh An và lần đầu tiên được biết đến vào hội thi trái ngon năm 1996. Mãi đến năm 2000, giống bưởi da xanh mới bắt đầu phổ biến trên thị trường.

Hiện nay, bưởi da xanh được nhân rộng và phát triển mạnh ở khu vực ĐBSCL. Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng bưởi da xanh lớn nhất nước với khoảng 9.000ha (thống kê vào tháng 10/2022). Diện tích trồng bưởi tập trung tại các huyện Mỏ Cày Nam, Chợ Lách, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre. Theo thống kê, bưởi da xanh cũng là cây trồng chủ lực của tỉnh.

Đặc điểm sinh học của bưởi da xanh

Bưởi da xanh có tên khoa học là Citrus maxima (Burm.) Merr., thuộc chi Citrus, nhóm cam quýt, họ Rutaceae. Đây là loại cây được trồng lâu đời.

Cây bưởi da xanh có đặc tính sinh trưởng khá tốt, tán lá dạng hình tròn, ít lông tơ, màu lá xanh đậm. Nếu được chăm sóc tốt, cây có khả năng cho trái từ 2 đến 3 năm sau khi trồng. Năng suất ước tính trên 100 trái/cây/năm (khi cây khoảng 13-14 năm tuổi) và tương đối ổn định.

Quả bưởi da xanh có dạng hình cầu, trung bình nặng từ 1,2 – 2,5kg/trái. Khi còn non và cho đến khi chín, vỏ có màu xanh đến xanh hơi ngả vàng, khá mỏng (14-18mm) và rất dễ lột. Tép bưởi có màu hồng nhạt pha vàng, hồng đỏ hoặc trắng pha vàng. Chúng bó chặt vào nhau, mọng nước và dễ tách khỏi vách múi. Khi chín đều, bưởi có mùi thơm, vị khá ngọt, hiếm khi chua. Một quả bưởi da xanh có thể chứa đến 30 hạt. Điểm đặc biệt của giống bưởi này là khi chín đến độ nhất định thì hạt bưởi sẽ tiêu biến hoàn toàn.

Bưởi da xanh có giá trị cao về cả mặt dinh dưỡng và y học. Theo nghiên cứu, 100g tép bưởi sẽ cung cấp 59 calo năng lượng. Ngoài ra còn có nhiều chất khoáng cần thiết như Ca, P, Fe cùng nhiều loại vitamin như vitamin A,C,B1 và vitamin B2. Bưởi da xanh cũng mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp cân bằng lượng cholesterol trong máu, chống lại hiện tượng oxy hóa, hỗ trợ tiêu hóa dễ dàng,… Bởi có tính thanh nhiệt nên bưởi còn có tác dụng hạ sốt hiệu quả. Có thể tận dụng toàn bộ quả bưởi từ phần ruột cho đến vỏ để phục vụ nhu cầu ăn tươi, ép nước, làm mứt, nấu chè, phơi thành vị thuốc,… nên tính kinh tế khá cao.

Bưởi da xanh có mấy loại?

Hiện nay bưởi da xanh được lai tạo thành nhiều giống bưởi khác nhau. Tiêu biểu có thể kể đến hai loại được phân biệt dựa vào màu sắc của múi bưởi.

Bưởi da xanh ruột đỏ: Như tên gọi, ruột bưởi mang màu đỏ hồng, có khi đỏ tươi hay hồng nhạt. Loại bưởi da xanh ruột đỏ này được nhiều người ưa chuộng nhất bởi màu sắc bắt mắt, vị ngọt lịm rất hiếm khi chua. Tép bưởi mọng nước, khi ăn đọng lại cảm giác tê nhẹ nơi đầu lưỡi.

Bưởi da xanh ruột trắng (hay còn gọi là bưởi Hoàng): Loại bưởi này có phần ruột màu trắng hay trắng pha vàng cam, có múi to. Điểm khác biệt ở bưởi da xanh ruột trắng là khi bóc múi bưởi lại rất róc vỏ. Tỉ lệ quả chua ở loại này nhiều hơn so với bưởi da xanh ruột đỏ.

Điều kiện thích hợp trồng bưởi da xanh

Trước hết phải kể đến Bến Tre – vùng đất tiếp nhận nguồn phù sa màu mỡ của bốn nhánh sông Cửu Long – được mệnh danh là xứ sở của những quả bưởi da xanh ngon ngọt nhất. Với điều kiện địa hình, đất đai, khí hậu cộng thêm kinh nghiệm lâu đời của nông dân trồng bưởi nơi đây đã tạo nên giống bưởi đặc thù với vỏ mỏng, độ ngọt cao hơn so với bưởi ở các địa phương khác. Đến nỗi đi đâu về đâu, người ta cũng nghe văng vẳng cái tên “bưởi da xanh Bến Tre”.

Điều kiện thích hợp để trồng bưởi da xanh, từ kinh nghiệm của các chủ vườn ở Bến Tre, là sự phối hợp của nhiều yếu tố từ nhiệt độ, ánh sáng, nước và cả đất trồng.

Về nhiệt độ, cần dao động trong khoảng 23-29 độ C.

Về ánh sáng, bưởi da xanh thích hợp nhất với cường độ ánh sáng trong khoảng 8 – 9 giờ sáng.

Về nước tưới, đây là yếu tố quan trọng mà người nông dân cần lưu ý. Vì tùy vào thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây mà ta sẽ tưới lượng nước khác nhau. Khoảng thời gian cây bưởi da xanh cần nhiều nước nhất là khi cây bắt đầu ra hoa và kết trái non. Chú ý lượng nước để không gây ra ngập úng cho cây và phải đảm bảo độ mặn trong nước không quá 0.2%.

Về đất trồng, yêu cầu tầng canh tác phải ít nhất là 0.6m, mật độ trồng với khoảng cách trung bình là 5m x 5m. Đất trồng phải được xới một cách thông thoáng nhất nhằm giúp nước dễ dàng thoát ra, pH nước từ 5,5-7, có hàm lượng hữu cơ cao > 3%, mực thủy cấp dưới 0,8m. Cần kiểm tra để xác định được đó là đất không bị nhiễm mặn nhiều, tránh trường hợp cây bưởi không thể phát triển.

Về phân bón, có thể chỉ sử dụng nhiều phân hữu cơ khi sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn organic. Liều lượng 15-30kg/cây/năm giúp cây phát triển tốt và tăng tuổi thọ rõ rệt. Bên cạnh đó, cần cung cấp thêm phân vô cơ theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây, quan sát tình trạng cây để lựa chọn các hàm lượng trong phân cho phù hợp. Sau cùng, có thể bổ sung 0,5-1kg phân Ca(NO3)2/cây/năm vào các giai đoạn sau thu hoạch, trước khi trổ hoa và sau khi đậu trái.

Thời gian hợp lý nhất để thu hoạch bưởi da xanh

Bưởi da xanh được trồng quanh năm, không có một vụ mùa nhất định như một số loại cây ăn quả khác. Người nông dân thường sẽ chọn khoảng thời gian vào đầu mùa mưa để thu hoạch nhằm tiết kiệm công tưới tiêu.

Thời gian trung bình để thu hoạch bưởi da xanh là khoảng từ 7 – 8 tháng, tùy thuộc vào từng mùa vụ khác nhau và tình trạng phát triển của từng cây,…

Theo kinh nghiệm của những hộ dân trồng bưởi da xanh, nên thu hoạch bưởi vào thời gian có trời mát, khuất nắng trong ngày. Khi thu hoạch vào trời nắng gắt sẽ khiến trái dễ bị vỡ. Ngoài ra cũng cần hạn chế thu hoạch vào lúc sau cơn mưa hoặc khi trời có nhiều sương mù. Thời tiết ẩm ướt dễ khiến cho bưởi bị ẩm và dễ hư thối khi mang đi trữ.

Hiệu quả kinh tế bưởi da xanh mang lại

Bưởi da xanh là loại quả dễ trồng, ít bị bệnh, có tuổi thọ cao. Thêm vào đó, bưởi còn có lợi thế vượt trội về thời gian tồn trữ sau thu hoạch, khả năng chịu tác động để vận chuyển đường dài hơn các loại cây ăn trái khác. Vì lẽ đó, bưởi da xanh luôn được xếp vào nhóm cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, giá bưởi da xanh dự báo tăng tên từ 15.000, 25.000 đồng/kg đến 30.000 – 40.000 đồng/kg trong dịp Tết Quý Mão 2023.

Theo Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các năm qua, bưởi da xanh ở ĐBSCL cho hiệu quả kinh tế khá cao nhưng giá cả vẫn không ổn định, lên xuống thất thường theo nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong năm 2022, một triển vọng mới mở ra cho bưởi da xanh tại Việt Nam khi Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép quả bưởi tươi vào thị trường. Theo đó, vùng trồng bưởi da xanh tại các tỉnh ĐBSCL đang được tích cực hỗ trợ nhằm sản xuất ra những quả bưởi chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để thuận lợi đưa vào thị trường Mỹ.

Đó là một tín hiệu lạc quan cho những hộ dân trồng bưởi da xanh. Bởi khi vào được thị trường Mỹ, giá bưởi được dự báo sẽ ổn định ở mức cao.

Hy vọng thông qua những thông tin tổng quan về bưởi da xanh, đã cung cấp phần nào những kiến thức hữu ích cho bạn về loại quả này cũng như những điều thú vị xoay quanh nó.

Bài viết liên quan