Quy trình trồng và chăm sóc cây bưởi da xanh

Tính đến giai đoạn đầu năm 2023, bưởi da xanh vẫn luôn thu hút sự chú ý, quan tâm từ các nhà vườn. Bên cạnh hiệu quả kinh tế cao, bưởi da xanh còn mang đến triển vọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau khi được sự cho phép từ Bộ Nông Nghiệp của quốc gia này (vào cuối năm 2022). Theo đó, ngành nông nghiệp trồng trọt Việt Nam được dự đoán sẽ có nhiều sự thay đổi về chuyển đổi canh tác giống cây trồng khác sang bưởi da xanh. 

Thực tế, kỹ thuật trồng bưởi da xanh không khó vì đây là giống cây trồng dễ thích nghi, sinh trưởng tốt trong nhiều điều kiện khác nhau. Tuy nhiên để có thể trồng và chăm sóc cây bưởi da xanh cho năng suất cao nhất thì người nông dân vẫn phải tuân thủ theo những kỹ thuật và yêu cầu nhất định.

Giai đoạn chuẩn bị

Dân gian có câu: “đầu xuôi đuôi lọt”, ở giai đoạn chuẩn bị, người nông dân cần đặc biệt chú trọng để đảm bảo quá trình sinh trưởng của cây bưởi được diễn ra suôn sẻ, không bị gián đoạn gây nên tổn thất về sau.

Cách nhân giống và tiêu chuẩn chọn giống

Cách nhân giống

Phương pháp chiết cành

Với phương pháp này, nên chọn cành chiết đường kính 1-1,5cm, chiều dài 35-40cm, có 3 nhánh gần nhau và tỏa đều ra các hướng. Trên cành chiết, dùng dao sắc bóc bỏ 1 khoanh vỏ có chiều dài bằng 1,5 – 2 lần đường kính cành, cách vị trí phân nhánh 10 -12cm. Cạo hết lớp thượng tầng. Chờ 5 – 7 ngày vết khoanh khô kiệt thì tiến hành bó bầu.

Phương pháp này có ưu điểm là giúp giữ lại toàn bộ các đặc tính của cây đầu dòng. Vì thế bắt buộc cây dùng để chiết phải đang ở tình trạng sinh trưởng phát triển tốt.

Phương pháp ghép

Có thể sử dụng các giống bưởi chua hoặc gốc cam mật để làm gốc ghép nhằm ổn định chất lượng giống bưởi. Các bước ghép theo thứ tự: lựa chồi ghép để ghép (nên lựa chọn các chồi hình tam giác), cắt đứt một phần vỏ cây từ gốc ghép để nhét chồi ghép vào, cắt chồi, chèn chồi vào thân gỗ và bọc kín xung quanh (sử dụng nilon hoặc băng ghép cây chuyên dụng), tháo vỏ bọc quanh chồi (sau 3-4 tuần), loại bỏ phần đầu và giác hút của gốc ghép để mang ra trồng.

Phương pháp này có hệ số nhân giống cao, giúp tăng tuổi thọ cho cây bưởi và giữ lại các đặc tính tốt của cây đầu dòng.

Tiêu chuẩn chọn cây giống tốt

  • Phải chọn đúng giống, cây có tình trạng sinh trưởng khỏe cùng bộ lá xanh tốt, không mang mầm bệnh và sâu hại
  • Đồng nhất về hình thái, các đặc tính di truyền, có độ sai khác < 5%
  • Chiều cao cây tính từ mặt bầu là > 60cm, cây có 2-3 cành cấp I
  • Đường kính gốc ghép (đo cách mặt bầu 10cm): 0,8-1cm
  • Đường kính cành ghép (đo trên vết ghép 2cm): > 0,7cm

Điều kiện sinh thái

Đất trồng

Đất phải có tầng canh tác dày tối thiểu 0,6m. Đất tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt. Hàm lượng hữu cơ > 3%, độ pH nước từ 5,5-7. Kiểm tra để đảm bảo đất không bị nhiễm mặn và mực nước ngầm thấp dưới 0,8m so với mặt liếp.

Nhiệt độ

Nhiệt độ thích hợp nhất để cây bưởi da xanh sinh trưởng và phát triển tốt là từ 23-29 độ C. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và màu sắc của quả bưởi.

Ánh sáng

Cường độ ánh sáng thích hợp là 10.000-15.000 lux (tương đương nắng sáng vào khoảng 8-9 giờ hoặc nắng chiều lúc 16 giờ). Vào mùa nắng, nhà vườn phải chú ý bố trí để tránh tình trạng nắng gắt trực tiếp chiếu vào cây bưởi gây nám vỏ bưởi.

Nước

Bưởi da xanh cần nhiều nước nhưng phải điều chỉnh lượng nước thường xuyên theo mùa để tránh ngập úng. Độ ẩm thích hợp nhất là 70-80%. Lượng mưa cần khoảng 1000-2000 mm/năm. 

Thiết kế vườn 

Thiết kế mương, liếp

Trong trường hợp đất mới, đào mương lên liếp nhằm xả phèn, xả mặn và nâng cao tầng canh tác, mương tưới và tiêu nước có chiều rộng từ 1-2m, liếp rộng từ 6-8m. Liếp trồng nên được thiết kế theo hướng bắc-nam để cây nhận được ánh sáng đầy đủ hơn. Nhà vườn cần xây dựng bờ bao để bảo vệ cây bưởi khi triều cường lên hàng năm (tháng 9-10 dương lịch).

Trong trường hợp đất cũ, nhà vườn có thể sử dụng lại hệ thống mương liếp có sẵn. Tiến hành thiết kế các bờ bao, cống, bọng và chọn vị trí mới để đắp mô trồng cây nhằm tránh các ổ sâu bệnh cũ.

Nên trồng cây chắn gió xung quanh vườn để ngăn chặn tình trạng sâu bệnh theo gió vào vườn và hạn chế thiệt hại do gió bão.

Chuẩn bị mô trồng

Đất làm mô trồng thường là đất mặt ruộng hoặc đất bãi bồi ven sông được phơi khô. Kích thước mô nên cao từ 40-60cm, đường kính 80-100cm. Cần đắp mô trước khi trồng 2-4 tuần.

Thời vụ trồng

Cây bưởi da xanh có thể trồng được quanh năm nhưng nên chọn gieo trồng vào đầu hoặc cuối mùa mưa để tiết kiệm công tưới.

Giai đoạn trồng và chăm sóc

Cách trồng bưởi da xanh

Tổng quan các bước như sau:

  • Đào lỗ giữa mô, trộn đều đất mô với các các loại phân theo khuyến cáo để khử trùng và bảo vệ bộ rễ non.
  • Cắt đáy bầu và đặt cây xuống giữa lỗ. Thông thường bầu cây bưởi nhô cao khỏi mặt mô 3-5cm.
  • Cho hỗn hợp đất mô vào xung quanh bầu cây, ém nhẹ. Sau đó kéo bao nilon từ từ lên và lấp đất lại ngang mặt bầu, tưới nước.
  • Cắm cọc giữ chặn cây con và tưới nước ngay để tránh cây bị sốc.

Khoảng cách trồng trung bình là 4-5m x 5-6m (tức mật độ trồng khoảng 35-50 cây/1000m2)

Tủ gốc giữ ẩm

Vào mùa nắng, tủ giữ ẩm gốc bưởi bằng rơm rạ khô, trấu, xác bèo,… cách gốc 10cm. Mùa mưa nên tủ cách gốc 20cm. Khi cây bưởi vào thời kỳ sinh trưởng, nên giữ cỏ trong vườn để giữ ẩm cho đất trong mùa nắng và chống xói mòn đất trong mùa mưa.

Kỹ thuật tưới tiêu

Bưởi da xanh cần nhiều nước nhất vào giai đoạn cây non và khi tạo quả. Mùa nắng nên thường xuyên tưới, trung bình cần 2 lần tưới vào buổi sáng sớm và lúc chiều mát. Mùa mưa cần chú ý tiêu nước cho cây vào những tháng mưa nhiều để tránh ngập úng.

Tạo tán

Kỹ thuật này nên được tiến hành vào giai đoạn khi cây bưởi 1-3 năm tuổi. Công dụng của việc tạo tán là giúp cây bưởi tiếp nhận ánh sáng đầy đủ, hình thành và phát triển bộ khung cơ bản cho đến các cành nhánh thứ cấp. Từ đó, giúp cây vững chắc và hạn chế tối đa nguy cơ đổ ngã. 

Tỉa cành

Công việc tỉa cành được tiến hành định kỳ hàng năm, sau khi thu hoạch quả bưởi. Áp dụng kỹ thuật tỉa cành để tạo cho cây bộ khung khỏe mạnh, thay thế những cành già hoặc mắc sâu bệnh, không có khả năng mang trái vào mùa sau.

Phải loại bỏ những cành có đặc điểm sau đây:

  • Cành đã mang trái vào vụ mùa này.
  • Cành bị sâu bệnh, ốm yếu.
  • Cành nằm bên trong tán (không có khả năng mang trái).
  • Cành đan chéo nhau.

Lưu ý: Cần phải khử trùng dụng cụ tỉa bằng cồn hoặc hơ lửa. Ngoài ra, những vết cắt lớn trên cây bưởi sau khi cắt tỉa phải dùng sơn hoặc thuốc trừ bệnh quét kín lại.

Kỹ thuật bón phân

Việc bón phân cho bưởi da xanh sẽ tùy theo giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây. Thêm vào đó, cần dựa trên cơ sở phân tích kết hợp chất đất, thành phần đất và tình trạng cây mới có thể đưa ra chế độ bón phân thích hợp đảm bảo hiệu quả.

Sử dụng phân hữu cơ kết hợp vô cơ, bón gốc kết hợp bón lá theo từng giai đoạn phát triển của cây để đem lại kết quả tốt nhất.

  • Đối với phân hữu cơ: Đây là xu hướng canh tác tiên tiến hiện nay, sử dụng nhiều phân hữu cơ để sản xuất bưởi sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Liều lượng 15-30 kg/năm/cây bưởi trưởng thành giúp tăng tuổi thọ rất rõ cho cây.
  • Đối với phân vô cơ: Thường sử dụng là DAP rải xa gốc hoặc NPK phun lên lá.

Giai đoạn thu hoạch và sau thu hoạch

Cần tiến hành tỉa cành và dọn vườn ngay sau khi thu hoạch. Bởi sau thời gian dài nuôi trái, cây bưởi sẽ yếu, sức đề kháng đối với môi trường bị suy giảm. Song, việc cắt cuống trái để thu hoạch sẽ để lại những vết cắt – vị trí dễ bị mầm bệnh tấn công nhất. Do đó cần tiến hành dọn dẹp vườn càng sớm càng tốt.

Tiếp theo, tiến hành bón phân bổ xung, liều lượng và loại phân sẽ tùy theo tuổi thọ của cây để nuôi dưỡng cây sau khi thu hoạch.

Xem thêm: Bưởi da xanh từ A đến Z

Nhiều kỹ sư nông nghiệp đã nhận định rằng quy trình trồng và chăm sóc bưởi da xanh không phức tạp như một số loại cây ăn quả khác. Tuy nhiên, nếu nhà vườn muốn đảm bảo điều kiện để cây bưởi sinh trưởng khỏe mạnh và cho ra sản lượng cùng chất lượng tốt nhất thì vẫn cần học hỏi và trau dồi kỹ thuật chăm sóc đúng quy chuẩn.

Bài viết liên quan