Nông nghiệp tái sinh: Khó hay dễ?

Lúc ba mình về nước, ba đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật học được từ bên Nga để phát triển trang trại nuôi tôm. Khi mình và em trai mong muốn làm trang trại cây ăn trái, ba đồng ý ngay và kể tụi mình nghe về nông nghiệp tái sinh. Với một người gốc tài chính, nhắc tới “số má”, tới chiến lược… gì đó thì còn dễ, đằng này… nông nghiệp tái sinh thì mình nghe cứ nghe, nhưng tới giờ mới hiểu.

Dù là vấn đề vĩ mô nhưng sau nhiều năm, mình nhận ra: nông nghiệp tái sinh là những biện pháp vì môi trường, vì sự đa dạng sinh học và tất cả chúng ta, những người nông dân, những người làm vườn đều có thể áp dụng từ từ, bắt đầu bằng thay đổi nhỏ trong canh tác.

Nông nghiệp tái sinh là gì?

“Nông nghiệp tái sinh” không còn là cụm từ quá xa lạ với nhiều nước trên thế giới và cả ở Việt Nam. Rất nhiều mô hình nông nghiệp tái sinh đã đạt được thành công, mang đến nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường. Có thể kể đến phương pháp canh tác “không cày xới” của Tây Ban Nha hay phương pháp canh tác hữu cơ của Anh. Tại Việt Nam, dự án NESCAFÉ Plan của Nestlé cũng đạt nhiều kết quả tốt, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp tái sinh ở nước ta.

Vậy nông nghiệp tái sinh là gì?

Nông nghiệp tái sinh là một tập hợp các biện pháp canh tác nhằm cải thiện chất lượng đất, bảo vệ tài nguyên nước và đa dạng sinh học. Chất lượng đất được cải thiện giúp tăng khả năng hấp thụ khí CO2 vào đất và tạo ra nhiên liệu sinh khối từ thực vật. Đất trồng chất lượng hơn góp phần làm tăng năng suất cây trồng và gia tăng thu nhập cho người dân.

Một số phương pháp canh tác thuộc mô hình nông nghiệp tái sinh

Phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh “không cày xới”

Canh tác nông nghiệp theo hướng diệt cỏ, cày xới đất sẽ góp phần sa mạc hóa đất. Khi cây chết, cỏ mất, đất bị cày xới lật lên để ánh nắng thiêu đốt, vi sinh vật cũng sẽ chết theo. Điều này làm các khoáng chất, chất mùn của đất trôi theo khi mưa xuống.

Đất bị cày xới cũng không có khả năng giữ nước. Khi mưa xuống, lượng mưa lập tức trôi đi. Trong khi đó, đất có cỏ sẽ có khả năng giữ nước tốt hơn. Lớp mùn, cỏ, rễ cây, lá như một tấm mút khổng lồ giữ nước lại cho đất.

Do đó, việc canh tác theo phương pháp cày xới đất, diệt cỏ, không chỉ góp phần làm đất nghèo dinh dưỡng, thiếu đa dạng sinh học mà còn dẫn đến xói mòn đất. Trong khi đó, đất phải khỏe, nhiều mùn, nhiều khoáng chất mới có thể giúp cây phát triển tốt và đem lại năng suất cao.

Vậy nên, phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh “không cày xới” sẽ góp phần cải tạo chất lượng đất, đa dạng sinh học, tăng năng suất cây trồng và cải thiện thu nhập cho người dân.

Phương pháp canh tác hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu

Canh tác theo hướng sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu rầy, thuốc tăng trưởng,… làm đất giảm chất lượng, thiếu đa dạng sinh học, góp phần sa mạc hóa đất. Đồng thời gây ảnh hưởng đến chất lượng nông sản thu hoạch và gây ô nhiễm môi trường.

Khi các hóa chất (phân bón, thuốc trừ sâu,…) ngấm vào đất, chúng sẽ giết chết hàng loạt các loại nấm và vi sinh vật trong đất. Nấm và vi sinh vật không còn tồn tại dẫn tới đất không có khả năng cấu tạo mùn để giữ nước, không thể hấp thụ khí CO2 để tạo thành các khoáng chất có lợi cho cây trồng. Đất nghèo dinh dưỡng và dần sa mạc hóa.

Tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học,… tràn lan, thiếu kiểm soát là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng, sự đa dạng sinh học của đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường.

Người dân nên hạn chế dùng các loại hóa chất cho nông nghiệp, áp dụng phương pháp canh tác và sử dụng các loại phân bón hữu cơ, kể cả những chế phẩm từ nông nghiệp để bảo vệ và cải tạo đất, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Việc hạn chế dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ cũng góp phần giảm chi phí đầu vào cho người dân.

Phương pháp trồng luân canh xen canh

Luân canh là phương pháp gieo trồng luân phiên các loại cây trồng khác nhau trên cùng một đơn vị diện tích đất. Luân canh góp phần làm tăng độ phì nhiêu, điều hòa chất dinh dưỡng cho đất và giảm bệnh cho cây.
Ví dụ: trồng luân canh cây hoa màu với cây họ đậu để cải tạo đất.

Nếu chỉ trồng một loại cây trên một đơn vị diện tích đất trong thời gian dài sẽ làm cho nguồn dinh dưỡng trong đất ngày càng cạn kiệt, cấu trúc đất ngày càng bị thoái hóa. Lúc này cây trồng không thể hấp thu được chất dinh dưỡng và phát triển, gây ảnh hưởng đến chất lượng đất cũng như năng suất của cây trồng. Đồng thời các loại sâu bệnh, dịch hại sẽ có điều kiện thích nghi và phát triển, gây hại cho cây trồng.

Sử dụng phương pháp luân canh sẽ giúp cải thiện cấu trúc đất, điều hòa chất dinh dưỡng trong đất. Sự thay đổi các loại cây trồng khác nhau cũng làm cho các loại sâu bệnh, dịch hại không kịp thích nghi, nhằm bảo vệ cây trồng tốt hơn.

Xen canh là phương pháp trồng hai hoặc nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích đất, trong cùng một lúc hoặc cách một thời gian không lâu, nhằm tận dụng diện tích, ánh sáng và chất dinh dưỡng. Phương pháp xen canh góp phần bảo vệ đất khỏi xói mòn, làm giàu dinh dưỡng cho đất, giảm phát thải khí nhà kính và tăng thêm nguồn thu nhập cho nông hộ.
Ví dụ: trồng xen canh cây sầu riêng với cây cà phê để tận dụng ánh sáng, chất dinh dưỡng.

Việc áp dụng tốt các phương pháp canh tác trên giúp cải tạo đất, đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời làm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, từ đó gia tăng thu nhập cho người dân và góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Bài viết liên quan