Trong những năm gần đây, diện tích trồng bưởi da xanh tại Việt Nam tăng lên đáng kể. Đặc biệt vào năm 2023, khi Bộ Nông Nghiệp nước Mỹ cho phép xuất khẩu bưởi vào thị trường nước này, ngành nông nghiệp trồng trọt Việt Nam được dự đoán sẽ có những thay đổi nhất định trong cơ cấu cây trồng. Điển hình như chuyển đổi canh tác sang trồng bưởi da xanh hoặc mở rộng diện tích trồng bưởi để tận dụng cơ hội, nâng cao hiệu quả kinh tế. Về cơ bản, các nhà vườn đã nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh tiêu chuẩn. Tuy nhiên, việc kiểm soát và phòng ngừa sâu bệnh hại trên cây nên được ưu tiên hàng đầu, vì thế đòi hỏi nhà vườn cần nắm rõ vấn đề và đưa ra phương án giải quyết kịp thời.
Phần 1: Sâu hại
Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella)
Hình thái và cách gây hại
Sâu vẽ bùa thành trùng là loại bướm dài 2mm, cánh rộng 4-5mm, toàn thân có màu vàng nhạt. Trứng của chúng rất nhỏ, ấu trùng màu xanh nhạt trong suốt, đục thành những đường ngoằn ngoèo trên lá tạo nên ánh bạc.
Loại sâu này gây hại chủ yếu ở thời kỳ vườn ươm và cây nhỏ (3-4 năm tuổi). Với cây lớn, sâu sẽ gây hại vào thời kỳ lộc non, nhất là đợt lộc xuân.
Sâu gây hại khiến lá non không thể phát triển, co rúm lại, giảm khả năng quang hợp. Từ đó, cây sinh trưởng và phát triển kém, hoa trái dễ bị rụng từ khi còn là cây non mới trồng.
Biện pháp phòng trừ
Bà con trồng bưởi có thể áp dụng những biện pháp sau để phòng ngừa sâu vẽ bùa:
- Chăm sóc cây bưởi đúng theo quy trình kỹ thuật, bảo vệ các loài thiên địch như ong, kiến vàng,…
- Phun thuốc trừ sâu ngay giai đoạn ra lá non (lúc lá non mới nhú 1-2cm), thông thường phun thuốc phòng 1-2 lần trong mỗi đợt cây có lộc non là hiệu quả nhất.
- Vào đầu mùa mưa, tiến hành tỉa cành cho ra lộc tập trung, chống thành thục để hạn chế sự phá hoại của sâu.
Sâu đục thân (Chelidonium argentatum), đục cành (Nadezhdiella cantori)
Cách gây hại
Sâu đục thân, đục cành xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Sâu trưởng thành đẻ trứng vào các kẽ nứt trên thân, cành chính. Sau đó, sâu non khi nở ra đục vào phần gỗ tạo ra các lỗ đục, trên lỗ đục xuất hiện lớp phân mùn cưa đục ra.
Biện pháp phòng trừ
Một số biện pháp phòng trừ sâu đục thân được các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo là:
- Bẻ cành héo bắt sâu non, bắt diệt sâu trưởng thành.
- Dùng mũi dao, dây lụa phanh xe đạp,… luồn theo vết sâu đục chọc chết sâu.
- Vào khoảng tháng 11-12, sau vụ thu hoạch, thực hiện quét vôi vào gốc cây để diệt trứng (nhằm lấp những kẽ nứt ở vỏ cây không cho sâu có chỗ đẻ trứng).
- Pha loãng các loại thuốc có hoạt chất Fenitrothion hoặc Methidathion, sau đó nhỏ vào các vết đục và dùng đất dẻo bít miệng lỗ lại để diệt sâu.
Sâu đục vỏ trái bưởi
Đặc điểm gây hại
Sâu tấn công khi trái còn nhỏ, tạo nên những u sần trên vỏ. Trong trường hợp sâu đục nặng hơn, trái sẽ rụng khỏi cây. Nếu trái bị tấn công vào giai đoạn trái vừa hoặc to, trái sẽ biến dạng trong quá trình phát triển, vỏ u sần gây giảm giá trị thương phẩm.
Biện pháp phòng trừ
Sâu đục vỏ trên trái bưởi có thể được diệt trừ nếu người nông dân áp dụng các phương pháp:
- Thu gom những trái bị nhiễm và mang chôn sâu để diệt sâu còn trong vỏ trái.
- Sử dụng thuốc chọn lọc để phòng trị khi cây vừa tượng trái non.
- Dùng dầu khoáng SK Enpray, thuốc sinh học có hoạt chất Abamectin,…
Sâu đục trái bưởi
Cách gây hại
Sâu đục vào ăn phần xốp trắng và cả phần thịt trái. Sâu gây hại ở tất cả các giai đoạn phát triển của trái, từ khi đậu trái đến gần thu hoạch.
Biện pháp phòng trừ
Hiện nay có nhiều biện pháp để đối phó với sâu đục trái bưởi. Chỉ cần nhà vườn thực hiện theo hướng dẫn sẽ hạn chế được tình trạng trái bưởi bị sâu đục:
- Kiểm tra thường xuyên để tỉa và tiêu hủy toàn bộ trái bị nhiễm sâu hại.
- Xử lý cho cây ra hoa đồng loạt, bao trái sau khi trái đậu khoảng một tháng.
- Nuôi dưỡng và bảo vệ kiến vàng trong vườn.
- Sử dụng thuốc hóa học hợp lý khi sâu mới nở và chưa kịp chui vào ruột trái bưởi.
Nhóm nhện hại
Đặc điểm gây hại
Có 2 loại nhện hại, bao gồm nhện đỏ và nhện trắng. Chúng gây hại cho lá bưởi, xuất hiện quanh năm, chủ yếu vào vụ đông xuân.
Nhện đỏ tập trung thành những đám nhỏ dưới mặt lá, chúng hút dịch làm cho lá bị héo đi.
Nhện trắng là nguyên nhân chính gây ra nám quả và các vệt màu vàng sáng dưới mặt lá.
Biện pháp phòng trừ
Để chống nhện hại, nhà vườn nên phun các loại thuốc có hoạt chất là Fenpyroximate 5% hoặc Propargite theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Nếu đã bị phá hại, phải phun liên tục (cách nhau 5-7 ngày) cho đến khi trái lớn.
Rầy chổng cánh (Diaphorina citri Kuwayama)
Cách gây hại
Rầy chổng cánh thường thấy nhiều trên đọt non của cây họ cam quýt. Chúng sống trên đọt non để chích hút nhựa cây và là môi giới truyền vi khuẩn gây bệnh vàng lá greening trên bưởi da xanh.
Biện pháp phòng trừ
Để diệt rầy chổng cánh, người nông dân cần:
- Nhổ bỏ các cây bị nhiễm để loại bỏ nguồn lây ra khỏi vườn.
- Tỉa cành và bón phân hợp lý nhằm điều khiển các đợt ra đọt tập trung.
- Trồng cây chắn gió xung quanh vườn bưởi để hạn chế sự tái xâm nhiễm của rầy chổng cánh.
Rệp sáp
Cách gây hại
Rệp sáp thường bám và gây hại trên cành lộc non hoặc trên trái để chích hút nhựa làm cành lộc, trái không phát triển và có thể dẫn đến gãy rụng.
Biện pháp phòng trừ
Vào thời kỳ lá non, khuyến khích nhà vườn phun thuốc có hoạt chất Etofenprox 10& hoặc Cypermethrin 250g/l pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi rệp xuất hiện, cần pha thêm vào thuốc phun một ít xà phòng để phá lớp sáp phủ trên người rệp, tăng hiệu quả diệt trừ.
Ruồi vàng hại quả
Cách gây hại
Ruồi vàng trưởng thành đẻ trứng vào vỏ quả, sâu non nở thành dòi đục vào trong làm thối quả, gây rụng quả.
Biện pháp phòng trừ
Ruồi vàng có thể bị diệt trừ nếu bà con dùng bả gồm Methyl Eugenol 90-95% và 5-10% Nalet. Mỗi bả cần 2ml, mỗi bả dùng cho 50 cây, làm liên tục 10-12 lần trong mùa quả chín đợi thu hoạch.
Phần 2: Bệnh hại
Bệnh loét
Triệu chứng
Triệu chứng ban đầu là những đốm bệnh màu vàng sáng, nhỏ như vết kim châm trên cành, lá non và trái bưởi. Sau đó, những vết nhỏ sẽ thành vết bệnh vàng nâu nhạt, xung quanh có viền màu vàng sáng, sần sùi.
Biện pháp phòng trừ
Để trừ bệnh loét ở bưởi, nhà vườn cần áp dụng những phương pháp sau:
- Tiêu hủy các cành, lá và trái bị nhiễm bệnh.
- Phun thuốc định kỳ với các loại thuốc như Kasuran, Kocide,… để phòng ngừa bệnh theo các đợt ra đọt non.
- Trong thời gian cây nhiễm bệnh, có thể sử dụng kết hợp thêm các loại thuốc như Kasumin, Starner,…
Bệnh chảy gôm
Triệu chứng
Bệnh chảy gôm thường phát sinh ở phần gốc bưởi, cách mặt đất từ 20-30cm. Giai đoạn đầu, bệnh tạo ra những vết nứt ở vỏ cây và khiến cây chảy nhựa (gôm). Khi bệnh nặng, lớp vỏ bị hại sẽ thối rữa và tuột khỏi cây. Bệnh chảy gôm có thể dẫn đến chết cây hoặc vàng lá làm cây sinh trưởng kém.
Biện pháp phòng trừ
Nhà vườn cần chú ý thực hiện những cách dưới đây để tránh tình trạng cây chảy gôm:
- Dùng thuốc Bóoc-đô 1-2% để phun trên cây và đổ trực tiếp vào vết bệnh.
- Ngoài ra, có thể dùng thuốc có hoạt chất Fosetyl aluminium 80% pha với nồng độ 2/1000 để xử lý các vết bệnh và phun trên lá.
Bệnh vàng lá Greening
Triệu chứng
Bệnh xuất hiện chủ yếu do cây giống đã nhiễm bệnh hoặc do rầy chổng cánh truyền bệnh.
Bệnh làm cho cây có tán lá không đều, lá nhỏ đi, lá biến vàng lốm đốm hoặc vàng lá gân xanh, gân lá bị sưng và hóa bần, khô. Cây bị bệnh thường cho hoa nhiều và trái mùa nghịch nhưng trái nhỏ, rất dễ rụng.
Biện pháp phòng trừ
Bà con có thể sử dụng các cách sau để ngăn ngừa và trị bệnh vàng lá Greening trên bưởi da xanh:
- Sử dụng cây giống sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng.
- Khi phát hiện cây bị bệnh, cần chặt bỏ và trồng cây khác để tránh lây lan.
- Không nên trồng cây nguyệt quới, cần thăng,… trong vườn để tránh thu hút rầy chổng cánh.
- Phun thuốc trừ rầy chổng cánh vào các đợt ra lá non hoặc quét thuốc vào gốc cây ở giai đoạn sinh trưởng.
Bệnh Tristeza
Triệu chứng
Bệnh gây hại ở phần gốc cây bưởi da xanh. Khi nhiễm bệnh, gốc cây có thể bị những vết lõm, vỏ chỗ vết lõm bị nứt và toàn bộ lá trên cây đều chuyển vàng. Bệnh Tristeza do virus làm hỏng mạch dẫn nhựa từ thân cây xuống rễ, làm rụng lá, chết đọt, lùn cây. Cây bị bệnh này thường chết rất nhanh, chỉ trong vòng vài tuần hoặc một tháng kể từ khi phát hiện lá bị vàng.
Biện pháp phòng trừ
Để ngừa trị bệnh Tristeza, các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo bà con cần:
- Lựa chọn cây giống khỏe mạnh, sạch bệnh.
- Thường xuyên diệt rầy theo các đợt ra đọt non, lá non.
- Tiêu hủy những cây có triệu chứng bệnh, bị lõm thân để tránh lây lan mầm bệnh.
Bệnh héo xanh
Triệu chứng
Đây là bệnh thỉnh thoảng mới xuất hiện trên bưởi da xanh, gây hại nặng vào mùa nắng. Khi cây bệnh, lá rũ xuống như thiếu nước vào lúc nắng nóng, buổi chiều cây tương đối xanh trở lại. Sau vài ngày, cây héo hẳn, rụng lá và chết.
Biện pháp phòng trừ
Bệnh này có thể phòng trị được nếu bà con áp dụng các phương pháp như:
- Sử dụng chế phẩm sinh học, phun thuốc có nguồn gốc sinh học và thảo mộc như chế phẩm chứa nấm Metarhizium anisopliae.
- Sử dụng phân hữu cơ hoai mục kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma để tiêu diệt rệp sáp gây bệnh.
Kiểm soát và phòng ngừa sâu bệnh hại là công việc đặt lên hàng đầu của những nhà vườn trồng bưởi nói chung và bưởi da xanh nói riêng. Nhất là ở Việt Nam, khí hậu nhiệt đới gió mùa tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn và mầm bệnh sinh sôi và phát triển. Vì vậy, nhà vườn nên ưu tiên học hỏi, tìm hiểu các cách xử lý sâu bệnh hại để mang về những vụ mùa bội thu, chất lượng.