Top 5 vườn bưởi da xanh truyền cảm hứng cho người trồng bưởi

Những năm qua, bưởi xa xanh luôn nằm trong nhóm những loại trái cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bên cạnh việc tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa và Trung Quốc, mới đây, ngành nông nghiệp trồng bưởi xa xanh đã nhận được tín hiệu đáng mừng từ Bộ Nông nghiệp Mỹ. Cụ thể, những quả bưởi tươi đáp ứng đủ tiêu chuẩn sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ với mức giá cao ổn định. Đây dự báo là bước tiến mới, mở ra nhiều cơ hội cho cá nhân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất bưởi da xanh trên phạm vi cả nước.

Đổi đời nhờ trồng bưởi da xanh tại Bến Tre

Bưởi da xanh là giống cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre. Theo thống kê của Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Bến Tre, hiện tỉnh có diện tích bưởi da xanh đạt 9.440 ha. Sản lượng trung bình đạt gần 90.000 tấn/năm. Cũng theo nhận định của Sở, diện tích bưởi da xanh tại Bến Tre tăng dần hằng năm. Đây được xem là cây trồng làm giàu cho nông dân bởi năng suất cao cùng mức giá khá ổn định.

Là một trong những nông dân được cán bộ và Sở Nông Nghiệp tỉnh Bến Tre khuyến khích, hỗ trợ canh tác bưởi da xanh theo mô hình VietGap, gia đình ông Trịnh Ngọc Trung thành công đổi đời, thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Vườn bưởi da xanh của ông Trịnh Ngọc Trung (71 tuổi) ở ấp Quới Lợi, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre là một trong những vườn bưởi tiêu biểu của tỉnh. Dù tuổi cao, hạn chế về sức khỏe nhưng ông luôn đi đầu trong các phong trào vận động mà tỉnh đề ra. Điển hình là áp dụng kỹ thuật trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap.

Với khoảng 2.000m2 đất vườn tạp do bố mẹ cho khi khởi nghiệp, ông Trung luôn gặp nhiều khó khăn, thất thoát vì chưa xác định được giống cây trồng phù hợp. Năm 2004, ông biết đến cây bưởi da xanh và tính thích nghi cao của giống cây này với vùng đất xã Quới Sơn nên mạnh dạn mua giống về trồng. Sau quá trình học hỏi kỹ thuật chăm sóc từ cán bộ kỹ thuật của tỉnh và các nhà vườn đi trước, vườn bưởi của ông Trung đạt năng suất cao, tươi tốt và trĩu quả.

Tích góp nhiều năm, gia đình ông đến nay đã nhân rộng được 1ha bưởi da xanh. Nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, ông Trung ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào mô hình trồng bưởi an toàn sinh học VietGap. Ông tuân thủ các việc như: tăng cường sử dụng phân hữu cơ, ứng dụng các khuyến cáo, kỹ thuật chuyển giao của cán bộ khuyến nông,… Nhờ vậy mà vườn bưởi của ông duy trì được chất lượng tốt, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Đây được bầu chọn là khu vườn kiểu mẫu tại địa phương, đạt năng suất khoảng 20 tấn/ha, cho lãi trên 500 triệu đồng/năm.

Vườn bưởi da xanh 300 gốc tại Sơn La

Anh Trần Hùng Mạnh (44 tuổi), sinh sống tại xóm 3, xã Chiềng Mùng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là tấm gương tiên phong trong việc làm giàu từ bưởi da xanh.

Vườn bưởi của anh tổng cộng có khoảng 300 gốc bưởi được trồng trên 5.000m2 đất vườn. Năm 2018, khi các hộ nông dân trên địa bàn huyện Mai Sơn được khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, gia đình anh Mạnh đã không ngần ngại thử sức với giống cây trồng mới tại địa phương. Anh cho biết, từ khi chuyển sang trồng bưởi da xanh, kinh tế của gia đình ổn định hơn, chất lượng cuộc sống được nâng lên đáng kể.

Cũng giống như những nhà vườn khác ở thời điểm chuyển đổi cây trồng, anh Mạnh tìm hiểu cẩn thận về kỹ thuật, cách chăm sóc, tưới tiêu ở các trang trại trồng bưởi lớn dưới xuôi (các tỉnh miền Tây). Để đảm bảo nguồn gốc cây trồng, anh nhờ người quen mua cây giống ở tận Bến Tre – nơi xuất xứ của bưởi da xanh.

Nhờ áp dụng kiến thức đã trang bị từ trước, cùng quy trình chăm sóc tỉ mỉ và khoa học, vườn bưởi da xanh của anh luôn trong trạng thái sinh trưởng và phát triển tốt. Tính từ thời điểm bắt đầu trồng cho đến khi thu hoạch, vườn bưởi chưa từng gặp các vấn đề sâu bệnh hay kém phát triển. Mỗi cây đều cho quả sai trĩu, chất lượng tốt. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, trung bình gia đình anh Mạnh thu về lãi khoảng 180 triệu đồng/ năm. Đầu ra bưởi da xanh ở mức cao và ổn định nên anh cũng tự tin sửa sang nhà cửa và mua xe, nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình.

Thanh niên lập nghiệp từ bưởi da xanh

Năm 2019, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp được phổ biến rộng rãi tại xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hưởng ứng phong trào tỉnh đề ra, anh Hồ Hoàng Kha (26 tuổi) đã triển khai mô hình trồng bưởi da xanh và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, anh Kha quyết định ở nhà phụ gia đình chăm sóc vườn bưởi ngay sau khi học hết lớp 12. Thông qua sự giới thiệu của Xã Đoàn, anh được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây trồng và đặc biệt là cách chăm sóc sâu bệnh trên cây bưởi. Năm 2010, anh áp dụng kiến thức, thử nghiệm kỹ thuật trồng bưởi theo hướng công nghệ cao trên diện tích 9ha đất với 2.500 cây bưởi da xanh. Cụ thể, anh lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, bón phân nuôi cỏ dưới gốc bưởi để cỏ sau khi chết, xác cỏ sẽ phân hủy thành phân hữu cơ nuôi cây bưởi. Theo anh Kha, tận dụng tốt bí quyết này, tỉ lệ đậu trái trên cây cũng nhiều hơn so với thông thường.

Không dừng lại ở đó, thông qua quá trình học hỏi kỹ thuật từ các chuyên gia, anh tiếp tục mang về vườn bưởi của gia đình biện pháp kích hoa gối vụ cho cây vừa ra trái lại trổ bông. Với kỹ thuật này, một năm cây cho trái ba vụ, năng suất tăng dần theo năm. Vào năm 2018, vườn bưởi nhà anh Kha đạt sản lượng 60 tấn/năm và thu về lãi 1,5 tỷ đồng.

Hiện nay, vườn bưởi gia đình đã tạo việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương với mức lương trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Thành công với mô hình tiên phong trồng bưởi da xanh tại Bình Định

Năm 2018, ông Nguyễn Hữu Nhân ở thôn Phú Hưng, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định mua và trồng hơn 400 gốc bưởi da xanh trên 5.000m2 đất vườn của gia đình. Được biết, mô hình trồng bưởi da xanh của ông Nhân là mô hình tiên phong tại xã Bình Tân và mang đến hiệu quả kinh tế khá tốt. Sau hai năm kể từ khi gieo trồng, vườn bưởi nhà ông đã xanh tươi và bắt đầu cho quả trĩu cành.

Theo kinh nghiệm trồng trọt của gia đình, ông Nhân cho biết nguyên nhân hàng đầu dẫn đến quyết định trồng bưởi da xanh là do đất đai ở địa phương phù hợp cho cây bưởi phát triển. Cây cho thu hoạch quả to, trọng lượng đạt từ 1,5 – 3kg/quả, mỗi gốc bưởi cho thu hoạch trung bình khoảng 1,5 tạ quả/ năm. So với bưởi da xanh từ các tỉnh phía Nam đưa lên, bưởi được ông cùng các hộ dân trồng tại địa phương có ưu thế hơn về trọng lượng và hình thức do giữ được nguyên cành lá, độ tươi xanh. Vì thế bưởi da xanh ở vườn ông Nhân luôn được khách hàng trong tỉnh đặc biệt ưa chuộng.

Bên cạnh đó, ông Nhân cho bưởi ra hoa và thu hoạch luân phiên, rải đều quanh năm nên hiện nay gia đình ông có thêm nhiều mối tiêu thụ ổn định cả trong và ngoài tỉnh, hạn chế tối đa tình trạng bưởi chín đồng loạt.

Vườn bưởi công nghệ cao lớn nhất tỉnh Tây Ninh

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, ở xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh là chủ sở hữu vườn bưởi công nghệ cao lớn nhất tỉnh Tây Ninh đến thời điểm này. Với diện tích hơn 50ha, ông Tỉnh chọn một hướng đi riêng khá đặc biệt so với những hộ nông dân trồng cây ăn trái khác trên địa bàn.

Tại đây, bưởi được trồng theo hàng, mỗi hàng cách nhau từ 6-7m. Điểm đặc biệt là ở giữa mỗi hàng sẽ có một đường đi cho chiếc máy phun thuốc mà ông Tỉnh tự sáng chế. Ông cho biết, với sáng chế này, chủ vườn có thể tiết kiệm được từ 30 nhân lực cho vườn bưởi có diện tích lớn. Thêm vào đó, việc phun thuốc cũng được phân bố đều hơn, tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa cơ thể người và thuốc phun.

Vườn bưởi của ông Tỉnh không sử dụng phân bón được bán tràn lan trên thị trường. Với mô hình bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap, ông lựa chọn phân hữu cơ được nhập từ Mỹ kết hợp với phân vi sinh tự ủ để đảm bảo độ sạch, hạn chế tối đa nấm bệnh xuất hiện trên thân, quả bưởi.

Ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong trồng trọt như hệ thống tưới cây tự động, phần mềm nhật ký chăm sóc cây trồng, trang thiết bị hiện đại,… đã giúp vườn bưởi nhà ông Tỉnh thu về lợi nhuận 600 triệu đồng/ha/năm.

Tính đến đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã nhận định về tiềm năng của bưởi da xanh trên thị trường Mỹ. Theo đó, giá trị trái bưởi da xanh cũng được nâng cao và thu hút thêm nhiều hộ nông dân chuyển đổi canh tác theo đúng tiêu chuẩn. Đây cũng là cơ hội để chúng ta học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn tiêu biểu nhằm cho ra đời những quả bưởi da xanh có chất lượng tốt nhất.

Bài viết liên quan