Lúc cùng ba xuống Giang Thành để chuẩn bị “hiện thực hóa” ước mơ “Con muốn làm vườn” của em trai, tôi được dịp trò chuyện nhiều hơn với bà con xung quanh. Nghe mọi người chia sẻ về chuyện làm nông nghiệp, chuyện trồng lúa, tôi càng hiểu, đồng cảm và thương người nông dân nhiều hơn.
Bác Tám, nhà ở kế khu đất chúng tôi chuẩn bị trồng bưởi kể: Người trồng lúa vất vả một nắng hai sương, cày ngày cày đêm chỉ mong mưa thuận gió hòa, được mùa trúng giá. Vậy nhưng khó khăn chồng chất khó khăn, năm được mùa thì mất giá, năm được giá thì mất mùa.
Người trồng lúa gặp khó khi thời tiết thất thường
Thời tiết là một trong những yếu tố tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến vụ mùa của người nông dân. Nếu mưa thuận gió hòa thì may mắn lúa được mùa. Gặp lúc thời tiết khắc nghiệt thì có khi mất trắng cả vụ mùa.
Vợ bác Tám kể là từ lúc xuống giống cho đến khi thu hoạch, hai bác vẫn nơm nớp lo sợ. Những cánh đồng lúa đang tươi xanh mơn mởn có thể héo vàng vì khô hạn thiếu nước. Nếu may mắn chỉ thiếu nước vào cuối vụ, năng suất lúa giảm nhiều nhưng vẫn còn vớt vát được chút ít. Gặp năm hạn hán lại bị xâm nhập mặn trên diện rộng thì người nông dân chỉ biết khóc ròng.
Nghe hai bác kể mà thương làm sao! Thời tiết thất thường đã đành, còn sâu bệnh hại lúa. Rồi giá vật tư nông nghiệp tăng cao mà giá lúa bán ra thì thấp.
Sâu bệnh gây thiệt hại cho người trồng lúa
Bác Tám nói hầu hết vụ mùa nào cũng có nhiều loại bệnh hại lúa như: bệnh đạo ôn (cháy lá), bệnh khô vằn, bệnh vàng lùn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá, sâu đục thân,… Thời tiết thất thường càng tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời, sâu bệnh hại sẽ bùng phát thành dịch, lan trên diện rộng, gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng và sản lượng lúa thu hoạch.
Chi phí đầu tư tăng cao nhưng giá lúa bán ra thấp
Để chăm cho cây lúa phát triển và đối phó với sâu bệnh hại lúa, bác Tám phải mua đủ các loại phân bón, thuốc trừ sâu rầy,… Chi phí mua thuốc, mua phân bón không nhỏ trong khi hầu hết các cô chú nông dân ở quê đều không có tiền tích lũy. Do đó, vốn đầu tư cho giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất phần lớn là từ vay nợ ngân hàng, mua nợ vật tư, rất ít người dùng vốn tự có. Nếu chẳng may bị mất mùa hay mất giá thì không biết xoay sở thế nào, nợ càng thêm nợ.
Tuy Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, với sản lượng hàng năm khoảng 6 – 6,5 triệu tấn. Nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn thấp, trong khi lạm phát toàn cầu đang cao. Đời sống của các hộ nông dân trồng lúa theo quy mô gia đình nhỏ lẻ như vợ chồng bác Tám gặp nhiều khó khăn.
Đã vậy, thương lái còn ép giá. Người nông dân không có kho bãi để có thể chứa, trữ lúa. Đa số khi thu hoạch và phơi khô xong là bán ngay. Một phần vì không đủ chỗ chứa lúa, phần vì cần tiền để trang trải các chi phí sản xuất, chi phí sinh hoạt hàng ngày. Cũng vì thế, nhiều thời điểm người nông dân phải bán lúa với giá thấp, chấp nhận huề vốn, thậm chí là lỗ vốn.
Vợ bác Tám bảo là chi phí đầu tư tăng chóng mặt nhưng lợi nhuận thu lại không cao nên nhiều người bỏ mùa vụ, tìm công việc khác có thu nhập tốt hơn. Một số người còn cầm cự lại chủ yếu là làm để lấy gạo ăn, chấp nhận bỏ công để bù chi phí. Hầu hết là những người có tuổi vì người trẻ không mặn mà nhiều với nghề nông.
—
Nói chuyện với vợ chồng bác Tám, tôi thấu hiểu hơn nỗi khổ của người trồng lúa ở Giang Thành. Tôi cũng bắt đầu hiểu lý do vì sao ba tôi quyết định trồng bưởi trên đất lúa. Ba nói: “Mình cứ thử trước, nếu thành công thì chia sẻ và giúp đỡ người nông dân trồng lúa cùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng năng suất cao, giá cao. Thêm nữa, chúng ta phải ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất mới có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.”
Cũng có lẽ vì điều này mà chị em chúng tôi làm vườn với một nguồn năng lượng và hi vọng rất lớn, hi vọng một ngày người dân ở huyện Giang Thành sẽ không còn nơm nớp trông chờ vào từng vụ mùa lúa nữa. Cuộc sống của họ sẽ an nhàn, khấm khá hơn.
Có thể bạn quan tâm: Top 5 vườn bưởi da xanh mang tới thu nhập cao và ổn định cho người nông dân